Không có từ nào thể hiện sự cấm đoán,ốivớiquảnlýdạythêthedo nhưng quá sốt ruột trước tình trạng trẻ em không có ngày nghỉ vì học thêm, dạy thêm, chính quyền của một thành phố đã phải phát đi lời kêu gọi đầy khẩn thiết này.
Còn nếu hỏi các bậc phụ huynh và học sinh ở Hà Nội rằng nếu chỉ học chính khóa thì có thể thi đỗ lớp 10, đỗ đại học như mong muốn hay không, thì câu trả lời đều là "không thể".
Nhiều năm nay, dạy thêm, học thêm không chỉ trở thành gánh nặng tài chính với các gia đình có con học phổ thông mà còn lấy đi khoảng thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động khác của những đứa trẻ. Theo nhiều giáo viên, việc quản lý dạy thêm - học thêm lâu nay chỉ chặt chẽ trên mặt giấy tờ, quy định. Còn thực tế hoạt động này đã biến tướng dưới nhiều hình thức.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong số 18 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước liên quan đến lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT nhận được vừa qua thì có tới 8 kiến nghị liên quan đến dạy thêm, học thêm. Ngoài các câu hỏi chuyển qua Ban Dân nguyện của Quốc hội và các kênh chính thống, Bộ GD-ĐT cũng nhận được nhiều ý kiến của người dân và cử tri về vấn đề này.
Thậm chí, có người dân gửi ý kiến chất vấn: "Bộ trưởng cho biết đến ngày nào thì có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm?", ông Kim Sơn dẫn dụ và cho rằng "mong muốn này hết sức cảm xúc". Bộ trưởng nhìn nhận, dạy thêm, học thêm là việc rất lớn, dù bộ đã có phân tích, trả lời về việc này nhưng chắc chắn vẫn những băn khoăn.
Vì vậy, khi diễn đàn Quốc hội đưa ra đề xuất cần đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến đã đồng tình với một tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương". Nhiều chuyên gia giáo dục và cả phụ huynh cũng cho rằng việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể cần thiết trên góc độ tạo hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực này ngoài nhà trường, tức là ở các cơ sở, các trung tâm dạy thêm. Nhưng chính họ cũng cho rằng ngay cả khi dạy thêm được luật hóa, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà chương trình và cách thức thi cử vẫn nặng nề như thế thì vẫn chưa thể đưa việc dạy thêm, học thêm vào nền nếp như chúng ta mong muốn.
Một số lãnh đạo ngành GD-ĐT khi nói về "nạn" dạy thêm cũng thường hay nói nguyên nhân của tình trạng học thêm tràn lan còn là do bố mẹ kỳ vọng và ép con mình học quá nhiều. Nhưng làm thế nào để phụ huynh yên tâm cho con chỉ học thời khóa biểu trên lớp vì chương trình và thi cử sẽ giảm tải thì không thấy có bất cứ cam kết nào.
Chưa thể kỳ vọng một nền giáo dục không có dạy thêm, học thêm. Điều mà xã hội mong muốn trước mắt là làm sao để việc dạy thêm phù hợp với ý nghĩa chân chính là một hệ thống bổ trợ và nâng cao tri thức, không bị lợi dụng bởi những người có vị trí trong các trường học nhằm mục đích lôi kéo và bắt buộc học sinh phải học thêm.